Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

2- CẢ NƯỚC THÀNH…TIẾN SỸ
Trương Duy Nhất http://trannhuong.com

Anhduong.info 12/09/2009


Tôi đồ rằng ngành kinh doanh luận án tiến sĩ sẽ hốt bạc trong những năm tới. Và một ngày không xa, sáng mở mắt dậy thấy cả nước thành… tiến sĩ!

Sáng nay, đọc tờ Đất Việt, thấy chình ình trang nhất cái tít to tổ bố “loạn chợ luận văn trên internet”. Hàng nghìn, hàng vạn luận văn, khóa luận, luận án thạc sĩ, tiến sĩ các loại được rao bán trên mạng với giá rẻ hơn mua… rau muống sạch. Nguồn cung còn khuyến mại bằng chiêu thức sẽ giảm giá nếu mua nhiều và cam kết “bảo hành đến 5 năm”.

Hoảng hồn, tưởng cái món này lâu rồi cạn vơi đi, không ai mua nữa. Hóa ra mỗi ngày một rộ hơn, khách hàng mỗi ngày một đông hơn.

Vì sao thế nhỉ? Liếc qua trang VietNamnet thấy ngay câu trả lời: Hà Nội mong 100% cán bộ Thành ủy “quản” là tiến sĩ.

Nội dung bài viết loan tin một chủ trương mới nhất của Thủ đô Hà Nội- chủ trương mang tên «chiến lược cán bộ công chức». Trong đó đặt ra mục tiêu đến 2020 phải đạt mức 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ (!?)

Chợt nhớ câu chuyện 3 ông tiến sĩ mà tôi viết từ hơn chục năm trước. Chuyện rằng ông Chủ tịch thành phố chẳng biết đi học lúc nào, viết luận án và bảo vệ khi mô mà đột nhiên thấy khai trong lý lịch ứng cử HĐND là tiến sĩ. Người thứ hai là ông giám đốc công ty du lịch. Du lịch là gọi vậy, chứ thấy công ty ông quản 2 cái khách sạn loại vừa vừa như… nhà khách công đoàn, và vài cơ sở matxa. Vậy mà cũng thấy ông cắp cặp đi đâu đó vài tháng rồi về thành tiến sĩ. Vị thứ ba là giám đốc công ty lương thực. Gọi vậy chứ thấy công ty ông quanh năm suốt tháng bán vài mươi xe sắn với gạo, mắm, dạo này thêm “thương hiệu” mới là nước tinh khiết đóng chai. Một tối thấy ti vi đưa tin ông dự lễ gì đó, giới thiệu ông là tiến sĩ. Vợ tôi nghe giật hoảng rớt bát cơm: “Ơ ơ, ông này mới năm trước em dạy bổ túc cấp 3 mà, nhanh vậy hè?”

Chủ trương này của Hà Nội, cộng với mục tiêu 2 vạn tiến sĩ đến năm 2020 của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã loan trước đây, tôi đồ rằng ngành kinh doanh luận án tiến sĩ sẽ hốt bạc trong những năm tới.

Và một ngày không xa, sáng mở mắt dậy thấy cả nước thành… tiến sĩ!

Thứ sáu ngày 28/8/2009
Trương Duy Nhất

Đất Việt
Loạn 'chợ' luận văn trên internet
Cập nhật lúc : 7:58 AM, 25/08/2009
http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Loan-cho-luan-van-tren-internet/20098/55567.datviet

Hàng nghìn luận văn, khóa luận, luận án tiến sĩ, đề án… được tung lên mạng, rao bán với giá 10.000 - 200.000 đồng. Kẻ mua, người bán không biết mặt nhau, tất cả giao dịch được thực hiện qua email, điện thoại và máy ATM.

Trong vai một thạc sĩ muốn bán luận văn của mình, người viết bài này được một thành viên chủ chốt của website choluan…com nhiệt tình chào mời.

Dụ bán luận văn

Người này cho biết, sau khi ký hợp đồng chuyển giao phân phối tài liệu/tác phẩm với ban quản trị (nói đúng ra là bán luận văn cho chợ trên mạng), tác giả được hưởng 50% phí lợi nhuận sau mỗi lần có người mua luận văn của mình.

Theo “bảng giá” mời chào mỗi luận văn thạc sĩ có giá 150.000 đồng, nếu có người mua, chủ nhân của “đứa con tinh thần” sẽ được nhận 75.000 đồng. Điều đáng ngạc nhiên, trên website này có khá nhiều luận văn tiến sĩ đang rao bán.

“Chợ” này “chuyên nghiệp” tới mức nếu giao dịch mua - bán thành công, luận văn sẽ được “bảo hành đến 5 năm” và giảm giá khi mua nhiều luận văn. Chợ còn có slogan đáng nhớ là “Chợ của tri thức”, và theo tôn chỉ “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.Theo giới thiệu trên website, “chợ tri thức” do các thành viên là cựu sinh viên của ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội xây dựng (?).

Thứ gì cũng có

Ở một chợ luận văn khác là luanxxx.net, chúng tôi bắt gặp những dòng quảng cáo táo tợn: “Website luôn luôn cải tiến không ngừng để phục vụ được tốt hơn. Hiện chúng tôi sưu tầm được 120.000 luận văn kinh tế từ các ĐH trên toàn quốc. 50.000 luận văn, đề án kỹ thuật, xã hội… để đưa vào phục vụ”. Chủ nhân website này khẳng định, mọi luận văn, đề tài “cứ cần là sẽ có” bởi “hệ thống cộng tác viên rộng khắp trên toàn quốc”.

Đáng chú ý, các luận văn được đưa lên mạng rao bán còn có cả những đề tài thuộc lĩnh vực kỹ thuật quân sự, quốc phòng ... Giá cho một luận văn cao học là 200.000 đồng; khóa luận, báo cáo tốt nghiệp, báo cáo thực tập ĐH là 150.000 đồng. Còn mẫu văn bản được những địa chỉ này nhiệt tình cung cấp cho “thượng đế” với giá 10.000 - 200.000 đồng.

Chúng tôi tìm địa chỉ liên lạc của Ban quản trị website này, nhưng không hề có một dòng giới thiệu. Liên lạc qua tổng đài 1080 thành phố Hà Nội, tìm địa chỉ đăng ký thuê bao cố định được thông báo trên website thì nhận được đây là số cố định không dây, không có đăng ký.

Chưa có biện pháp ngăn chặn

Trước thực trạng rao bán luận văn nhan nhản trên mạng, TS Trần Thị Mai, ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP HCM, cho rằng, với luận văn thạc sỹ thì khó có thể “đạo” được, bởi rất dễ phát hiện cho dù luận văn đó có nguồn gốc từ Hà Nội hay TP HCM, hơn nữa số lượng đề tài thường trong giới đều biết. Tuy nhiên, với khóa luận tốt nghiệp ĐH, báo cáo tốt nghiệp thì không thể nắm hết. Nếu biết được thì giáo viên hướng dẫn chỉ yêu cầu viết lại, cùng lắm là không chấm, vì biện pháp chế tài vẫn chưa có.

“Đây là sự vi phạm bản quyền không thể chối cãi, nhưng có sinh viên nào, trường nào nghĩ đến chuyện đăng ký bản quyền tác giả cho đề tài của mình đâu để có cơ sở bảo vệ. Do vậy, chuyện xử lý theo pháp luật là chưa thể”, ThS Ngô Văn Ngọc, Trường ĐH Nông lâm TP HCM băn khoăn.

ThS Võ Tấn Thông, ĐH Bách khoa TP HCM, góp ý: “Chuyện mua bán đề tài tham khảo thì không có gì đáng bàn, nhưng nguồn đề tài người bán có được là do đâu. Nếu tác giả đề tài mang file bán lại thì không gì để nói, nhưng việc lấy cắp bằng nhiều cách để rao bán thì tôi nghĩ cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc”.
Trong khi đó, ông Phan Mạnh Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục – Đào tạo, nêu ý kiến, cần xem lại tính pháp lý của các website này. Nếu đưa luận văn lên mạng làm tài liệu mở là điều nên làm khi muốn chia sẻ công sức của những tác giả luận văn đi trước. Còn nếu với mục đích kinh doanh, mua bán thì lại làm xấu đi hình ảnh trí thức thời đại mới… và không cơ quan quản lý nào cấp phép làm điều này.

Thái Ngọc – Bạch Dương

vietnamnet
Hà Nội mong 100% cán bộ Thành ủy 'quản' là tiến sĩ
Cập nhật lúc 08:26, Thứ Ba, 25/08/2009 (GMT+7) http://vietnamnet.vn/chinhtri/doinoi/2009/08/865203/

Hà Nội vừa vạch chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền thành phố, trong đó quyết tâm đến 2020 có 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ.

Đến 2020, Hà Nội phấn đấu 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ; 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học.

Trước mắt, trong thời hạn ngắn hơn (đến 2012), Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ trên đại học, trong đó 50% là tiến sĩ; tất cả cán bộ diện Thành phố quản lý (chi cục trưởng, phó chi cục trưởng; trưởng phòng, phó trưởng phòng các sở, đơn vị trực thuộc sở và tương đương; trưởng phòng, phó trưởng phòng các phòng thuộc UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc) trình độ trên đại học, trong đó 25% thạc sĩ, 25% tiến sĩ.

Hà Nội mong muốn đảm bảo chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, công chức. (Chỉ mang tính minh họa - Ảnh: V.A)

Cũng đến "hạn" 2012, các chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tại Hà Nội cần 100% đạt trình độ đại học, trong đó 30% trên đại học.

Về trình độ quản lý nhà nước, Hà Nội "mạnh dạn" đặt tiêu chuẩn cụ thể đến năm 2012: Trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, tất cả cán bộ khối chính quyền Thành ủy "quản" phải có trình độ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp, 100% cán bộ Thành phố "quản" phải có trình độ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính và 100% chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường, thị trấn có trình độ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên (hoặc tương đương).

Mục tiêu đến 2020, Hà Nội sẽ "tiến thêm một bước": 100% chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường, thị trấn có trình độ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính (hoặc tương đương) trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo.

Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền Thành phố Hà Nội vừa đưa ra cũng đặt tiêu chuẩn cụ thể về trình độ tin học, ngoại ngữ (tiếng Anh) đối với tất cả cán bộ, công chức. Theo đó, đến 2020, cán bộ, công chức UBND xã, phường, thị trấn cần sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhà nước, có thể giao ban trực tuyến và điều hành qua mạng nội bộ...

Trừ khu vực nông thôn miền núi, đến 2020, tiếng Anh trình độ B phải được phổ cập trong tất cả cán bộ, công chức khối chính quyền Thành phố.

Thoại Mi



*****************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét