Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

3- HỒ SƠ VỤ NHÀ NƯỚC CSVN ĐÀN ÁP TU VIỆN BÁT NHÃ

LTS.- Vụ nhà nước CSVN sử dụng võ lực để tống khứ nhiều tăng thân Làng Mai ra khỏi Tu viện Bát Nhã (Lâm Đồng V.N) đã gây xôn xao trong dư luận cộng đồng Việt Nam trên toàn thế giới và đã được nhiều trang mạng toàn cầu liên tục loan tải.

Tuy nhiên, thể theo lời yêu cầu của một số độc giả không có cơ hội sử dụng internet để có thể biết rõ ngọn ngành nội vụ, Việt Tide xin đăng tải bài tổng hợp tin tức, sự kiện dưới đây với dụng ý cung ứng một số thông tin thiết yếu dành cho các độc giả kể trên.

Bài tổng hợp được viết theo nguyên tắc chỉ tường thuật sự kiện đã xẩy ra hoặc chỉ trích đăng những đoạn viết có thể kiểm chứng nhưng sẽ không đưa ra lời bình luận nào của tòa soạn. Mọi ý kiến phê phán xin để quý độc giả tùy nghi tự chọn.


VIỆT TIDE

I. VÀI DANH XƯNG CẦN BIẾT

1) Làng Mai (Pháp): Làng Mai (thoạt tiên còn có tên là Làng Hồng) là một trung tâm thiền tập của Thiền Sư Nhất Hạnh, được hình thành vào đầu năm 1982 tại miền Tây Nam nước Pháp (gần ga xe lửa Sainte Foy La Grande, ở phía đông tỉnh Bordeaux, cách Paris khoảng 5 tiếng rưỡi giờ tầu chạy). Làng có 4 khu riêng biệt gọi là Xóm Thượng, Xóm Hạ, Xóm Trung và Xóm Mới. Vì những năm đầu, do có nhiều cây hồng ăn đã được trồng nên trung tâm được gọi là Làng Hồng. Nhưng về sau, các tu sinh trồng được 1250 cây mai cho những trái rất đậm đà, nên Làng Hồng được đổi tên thành Làng Mai. Tên chữ của Làng là Đạo Tràng Mai Thôn.

2) Tu Viện Lộc Uyển (Hoa Kỳ): là một trung tâm thiền tập theo truyền thống Làng Mai. Tu viện nằm trong một thung lũng giữa những Sườn đồi phía Tây Bắc thành phố Escondido, thuộc San Diego County, tiểu bang California, với diện tích 400 mẫu Anh. Tu viện đã chính thức được thành lập vào tháng 6 năm 2000 do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và Tăng đoàn Tu Viện Lộc Uyển hợp sức cùng với sự đóng góp của Phật tử ở khắp nơi. Tu Viện gồm có hai xóm: Xóm Vững Chãi (Solidity Hamlet) dành cho các thầy, là vùng đất nằm phía trên đỉnh đồi, Xóm Trong Sáng (Clarity Hamlet) dành cho các Sư cô, vùng đất dưới rừng sồi xanh mát.

3) Tu viện Bát Nhã (Việt Nam): Xã Dambri thuộc tỉnh Lâm Đồng V.N là một vùng xa vắng hoang sơ nẳm trên đường Sài Gòn đi Đà Lạt. Ở đây trước chỉ có một ngôi chùa Bát Nhã nhỏ bé do Thượng Tọa Đức Nghi chủ trì. Năm 1998 Thượng tọa Đức Nghi qua Làng Mai thăm viếng, vận động tài chánh xây dựng Tu viện Bát Nhã.

Năm 2001 Thượng Tọa lại qua tu viện Lộc Uyển để tìm hiểu thêm về mô thức sinh hoạt và tu học của Làng Mai. Thượng tọa cũng muốn các đệ tử của mình tìm hiểu về pháp môn Làng Mai nên đã gởi các vị đệ tử lớn qua Làng tu học.


II.- QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA THIỀN SƯ NHẤT HẠNH

1)Tiểu sử Thiền Sư Nhất Hạnh:
- Tên thật Thiền Sư Nhất Hạnh là Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926, tại làng Minh Hương, [Bảo Vinh] huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.
- Pháp danh Trùng Quang, đã xuất gia tu học từ năm 16 tuổi với Hòa thượng Thanh Hạ Quý thuộc môn phái Tổ đình Từ Hiếu.
- Đầu thập niên 1950, Đại Đức Thích Nhất Hạnh học Trung học tại Huế.
- Năm 1956 Đại Đức vào Sài Gòn học Đại Học Văn Khoa. Đỗ Cử Nhân Văn Khoa khoảng 1959.
- 1960: Góp phần thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh và sáng lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, Nhà Xuất bản Lá Bối.
- Năm 1961, Viện Đại Học Vạn Hạnh cử Đại Đức Thích Nhất Hạnh du học. Đại Đức học tại Đại Học Princeton, tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ, môn Tôn giáo đối chiếu. Thời gian này, Đại Đức Thích Nhất Hạnh thường thuyết giảng về Phật Giáo tại Đại Học Columbia, với tư cách một nhà Sư gốc Á Châu.
- Năm 1964, Thượng Tọa Trí Quang viết thư yêu cầu Đại Đức Nhất Hạnh mau trở về nước để hỗ trợ cho Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong giai đoạn sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ (tiết lộ trong Bạch thư của Hòa Thượng Thích Tâm Châu)
- Năm 1966, Thượng Tọa Trí Quang phái Đại Đức Thích Nhất Hạnh ra ngoại quốc kêu gọi chấm dứt chiến tranh, đòi quyền tự quyết, lập chính phủ hòa hợp hòa giải dân tộc. Đại Đức Nhất Hạnh đến Pháp, với tư cách Trưởng Phái Đoàn Hòa Bình của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại cuộc Hòa Đàm Paris về Việt Nam. Mục đích của phái đoàn Phật giáo do Đại Đức Nhất Hạnh lãnh đạo là nói cho thế giới biết rằng: “dân Việt Nam không muốn đánh nhau nữa, chỉ muốn ngồi xuống thương thuyết với nhau để đi tới một giải pháp hòa bình”.
- Đại Đức Thích Nhất Hạnh định cư tại Pháp từ tháng 5-1966, trong giai đoạn này tích cực tham gia các sinh hoạt phản chiến.
- Từ năm 1968, Sư cô Chân Không đã qua Pháp làm phụ tá cho Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh, đã yểm trợ tất cả các công tác về hòa bình, về xã hội, về hướng dẫn các khóa tu được tổ chức khắp nơi trên thế giới và giúp xây dựng và quản trị Làng Hồng rồi Làng Mai...
- Năm 1982, Thích Nhất Hạnh bắt đầu tìm mua đất để thiết lập Làng Hồng làm nơi tu học và mở các khóa tu cho thiền sinh khắp thế giới vì Am Phương Vân chỉ có thể chứa khoảng 50 người. Làng Hồng có tổng diện tích là 30 mẫu Tây, có hai Xóm Thượng và Hạ cách nhau khoảng 3 cây số. Sau thêm Xóm Trung và Xóm Mới. Thiền sinh ngoại quốc gọi Làng này là Village des Pruniers hoặc Plum Village. Plum cũng có nơi gọi là mai, cho nên làng Hồng mới có tên là Mai Thôn tức Làng Mai ngày nay. Mỗi năm có hàng trăm thiền sinh trên thế giới về đây tu học.
- Từ năm 1966, Thượng tọa Thích Nhất Hạnh bắt đầu hành xử như một thiền Sư, ăn mặc nâu sòng, giản dị, mặc nhiên không còn ưa gọi là Thượng Tọa nữa, cả họ Thích của các bậc tu hành thọ từ 250 giới trở lên cũng ít dùng tới. Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh, trở thành Thiền Sư Nhất Hạnh, nổi tiếng khắp thế giới. Thiền Sư Nhất Hạnh đã cùng với Sư cô Chân Không đi thuyết giảng Thiền học tại hàng chục quốc gia, kể cả Nga và các nước Đông Âu cũ.
(Tài liệu tham khảo: http://www.langmai.org)

2) Mấy lần về nước:

a) Thiền Sư về nước năm 2005 và việc Cúng dường Tu Viện Bát Nhã:

Cuối thập niên 90, Thiền Sư Nhất Hạnh ngỏ ý được về Việt Nam thăm viếng và truyền đạo. Lộ trình chuyến đi hoằng pháp cùng nội dung những bài thuyết pháp từ tháng 3 đến tháng 4 năm 1999 qua ba thành phố Hà Nội, Huế, Saigon, đã được đệ trình Bộ Văn hóa nhà nước VN. Nhưng không hiểu vì cớ gì Hà Nội lại bãi bỏ chuyến đi vào phút chót. Mãi đến năm 2004, có thể do sự vận động của một nhân sự thuộc nhóm Giao Điểm nên năm 2004 , nhà nước VN mới ngỏ lời mời Thiền Sư về nước và qua năm 2005, Thiền Sư mới thực hiện được chuyến đi này.

Năm 1998, nghe tin Thiền Sư Nhất Hạnh dự định về Việt Nam hợp tác với Nhà cầm quyền cộng sản, Hoà thượng Thích Quảng Độ đã viết thư đề nghị Thiền Sư Nhất Hạnh, bằng những lời nhẹ nhàng, tế nhị, đại ý : “Việt Nam chưa có tự do, dân chủ, nhân quyền, đừng về hợp tác, buôn bán, làm ăn, coi chừng sập tiệm, sẽ mất cả chì lẫn chài !”(Vấn đề Nhà cầm quyền cộng sản đàn áp, trục xuất chư Tăng chùa Bát Nhã-Thích Viên Định- PARIS, ngày 22.9.2009 (PTTPGQT) .

Thiền Sư cùng với đoàn tăng ni Phật tử gồm 190 người tháp tùng đã tới phi trường Nội Bài (Hà Nội) ngày 23-01-2005. Tại đây, cả một đội ngũ đông đảo chờ đón, có rắc hoa thơm trên lối đi, có nhiều phóng viên tụ tập để phỏng vấn.

Trong chuyến đi này, Thiền Sư sẽ đi giảng thuyết nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người. Sư bà Chân Không được cử đến thăm Thanh Minh Thiền Viện ở Sàigòn (nơi Hoà Thượng Quảng Độ bị quản thúc) để xin một cái hẹn cho thiền Sư Nhất Hạnh đến thăm, nhưng Hòa Thượng Quảng Độ từ chối. Tại chùa Già Lam, Thiền Sư được Thượng Tọa Trí Quang tiếp trong 40 phút, nội dung chuyện trò được giữ kín. Thật ra, Hòa thượng Trí Quang lúc bấy giờ (lấy cớ) nhập thất tịnh khẩu không trực tiếp gặp mặt, chỉ có Thượng tọa Tuệ Sĩ trình bày lại lời nhắn (từ chối) của hòa thượng và tiếp chuyện Thiền sư Nhất Hạnh một lúc mà thôi.

Tại Văn phòng 2 Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Sài Gòn Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã phát biểu: “Chúng tôi hướng về Việt Nam như một quê hương tâm linh của mình… Trong bao nhiêu năm qua, quý vị đã phát huy đạo đức dân tộc, đây là cái cơ bản để giữ cho xã hội Việt Nam lớn mạnh. Chúng tôi về nước với tâm nguyện hiến dâng cho dân tộc...”

Thiền Sư Nhất Hạnh đã lưu lại VN trong 3 tháng để thuyết pháp. Thiền Sư cũng đã hướng dẫn 100 thiền sinh lên Lâm Đồng được thầy Đức Nghi đón tiếp long trọng.

Thầy Đức Nghi tuyên bố rằng Thiền Sư Nhất Hạnh là người yêu nước, có lòng tôn vinh đạo pháp và dân tộc. Thầy rất tâm đắc với những tác phẩm của Thiền Sư Nhất Hạnh. Thầy muốn khôi phục lại trường thanh niên phụng sự xã hội do Thiền Sư thành lập vào năm 1964 trước đây. Thầy cũng thấy Pháp môn Làng Mai là thích hợp với đồng bào Việt Nam. Vì thế, thầy xin cúng dường tu viện Bát Nhã cho Thiền Sư !

Thêm vài chi tiết về việc Cúng Dường tu viện Bát Nhã :

Sự việc cúng dường này có căn cơ từ trước. Từ năm 1998, chương trình từ thiện “Hiểu và Thương” của Làng Mai đã cộng tác với Thượng Toạ Đức Nghi để mở những lớp nhà trẻ tại Bảo Lâm và Bảo Lộc tuy do chính Thượng Tọa đứng tên chủ trì nhưng Làng Mai lo hoàn toàn về chi phí sinh hoạt, xây dựng cơ sở nếu cần, trả lương cho các cô giáo, lo ăn trưa cho trẻ em bán trú và cung cấp học bổng cho các em nghèo hiếu học.

Năm 1998, Thượng Toạ Đức Nghi cũng đã qua Làng Mai thăm viếng, vận động tài chánh để xây dựng chùa Bát Nhã và năm 2001 thì qua tu viện Lộc Uyển vào để tìm hiểu thêm về mô thức sinh hoạt và tu học của Làng Mai. Thượng Toạ cũng muốn các đệ tử của mình tìm hiểu về pháp môn Làng Mai nên đã gởi các vị đệ tử lớn qua Làng Mai tu học như thầy Thích Đồng Đạo, Thích Đồng Châu (2001-2003), Thích Đồng Trung và Thích Đồng Từ (từ 11/2005 cho đến nay).

Năm 2003, 2004, Thượng Tọa cũng đã bảo trợ về mặt pháp lý cho những khóa tu 5 ngày tổ chức tại Bát Nhã do các giáo thọ Làng Mai về thăm quê hương giảng dạy (các thầy Nguyện Hải, Pháp Niệm, các Sư cô Thoại Nghiêm, Hỷ Nghiêm, Giới Nghiêm). Thượng Tọa đã ngỏ ý với các vị giáo thọ lúc ấy là nếu Làng Mai bằng lòng, Thượng Tọa sẽ xin bảo lãnh để các vị có thể ở Việt Nam mỗi năm 6 tháng phụ trách việc giảng dạy cho đồng bào Phật tử địa phương.

Năm 2005, trong chuyến về Việt Nam thăm quê hương và hoằng pháp lần thứ nhất của Thiền Sư Nhất Hạnh, Thượng Toạ đã thỉnh mời Thiền Sư và tăng thân Làng Mai lên thăm Tu viện Bát Nhã và Thượng Toạ đã tuyên bố cúng dường Tu viện Bát Nhã cho Thiền Sư Nhất Hạnh như đã nêu ở trên.

Để độc giả hiểu thêm về mối thiện cảm của Thượng tọa Đức Nghi đối với Thiền Sư Nhất Hạnh và ý định thành lập tu viện Bát Nhã, xin đọc trích đoạn dưới đây từ cuộc phỏng vấn ngày 22.03.2007 tại Tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc, Lâm Đồng, được thực hiện bởi thầy Pháp Lưu, Sư cô Châu Nghiêm (thuộc ban biên tập của Deer Park Dharma Cast):

Hỏi: Thượng tọa có thể chia sẻ một chút về quá khứ và quá trình thực tập, trong trường hợp nào mà Thưọng tọa tiếp xúc với Sư Ông và pháp môn của Sư Ông

TT Đức Nghi: Trong khi chúng tôi còn là học tăng trước năm 1975, cũng đọc sách của Sư Ông rất nhiều như Đạo Phật đi vào cuộc đời, Đạo phật hiện đại hóa, Đạo Phật ngày mai, Nẻo về của ý. Lúc đó chúng tôi mới có chừng hai mươi tuổi thôi, và đọc cuốn sách Nẻo về của ý như sách gối đầu giường vậy. Thành thử mới thích đường hướng phụng sự xã hội của Sư ông. Thì sau 75 tức là năm 76 tôi mới lên Bảo lộc, đọc “Nẻo về của ý” thì mới tìm Phương Bối để thăm (Ghi chú của tòa soạn: Phương Bối Am là một cơ sở tu học được Thiền Sư Nhất Hạnh thiết lập từ cuối thập niên 1950 ở Bảo Lộc). Nhưng mà lên Phương Bối thì không còn gì hết, tiêu điều, tan nát, (Ghi chú của tòa soạn : Lúc đó chỉ có gia đình nhà thơ Nguyễn Đức Sơn lấy làm chỗ tá túc sau khi rời Sài Gòn vào tháng 5-1975) thì trong lòng mới ôm ấp thành lập một trung tâm như Phương Bối. Nhưng mà thời gian bao cấp nhà nước chưa đổi mới chính sách ruộng đất thì mình muốn nhưng không thực hiện được. Cho đến năm 90 trong lòng có ý đi tìm. Có đi tim một vài chỗ, thì nhân chuyến đi thăm thác Damb'ri thì mới thấy khu đất này bị bỏ hoang thì muốn tìm chủ nó để mà mua miếng đất này. Thì tìm ra được năm bẩy chủ mới gợi ý mua. Năm 95 mới thực hiện được, là mua khoảng 20 mẫu, rồi sau này mua thêm mười mẫu nữa. Vậy là tổng cộng được 30 hecta. Năm chín năm đến năm chín tám tôi đã đặt những viên đá đầu tiên xây dựng cái chánh điện. thì bà con cái vùng này họ nghèo lắm, họ không thể giúp mình xây đựng được. Năm 98 thì có một thầy ở Mỹ về mới tỏ ý qua đó vận động. Rồi 98 qua Mỹ được mấy tháng, năm 99 được mấy tháng, rồi năm 2000 được mấy tháng. sau năm lần đi Mỹ mới vận động được ít để xây dựng cái chánh điện dọn dẹp đường xá, rồi trong năm năm đi rồi thì năm 2003 không đi nữa. Cho đến cuối năm 2004 đầu năm 2005 thì Sư ông về Việt Nam. Sư ông về Việt Nam thì mới thỉnh Sư ông lên đây thăm, và mới nói lên cái nguyện vọng của mình là muốn Bát Nhã trở thành một trung tâm như Phương Bối. Để thực hiện cái tu viện cho mọi người tu. Thì từ năm 2005 đến giờ mọi vấn đề xây dựng cơ sở, thì Làng chịu trách nhiệm. Chứ từ năm 2005 về trước thì Làng không có trách nhiệm, Ngoài cái Bát Nhã này thì còn chín nơi khác nữa, ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào kinh tế mới. Có Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Quan Âm, Phổ Hiền, An Lạc, Văn Thù. Rồi giờ có Bát Nhã Hai, Bát Nhã Ba nữa. Để đáp ứng cái nhu cầu của bà con trong vùng này. Và ở đây mình đã thực hiện chương trình giúp đỡ cho bà con nghèo. Mình giữ con cho bà con, Làng đã hỗ trợ chương trình đó. (ngưng trích).

Việc điều hành Tu viện Bát Nhã sau đó cũng được Thượng tọa Đức Nghi làm theo y mẫu của Làng Mai. Tháng 5-2005, Sư cô Chân Thoại Nghiêm đã dẫn 85 sa-di ni và tập sự xuất gia nữ từ Huế vào để thiết lập sinh hoạt ni chúng Làng Mai tại Bát Nhã, lấy tên là Xóm Bếp Lửa Hồng. Tháng 10/2005, thầy Thích Chân Nguyện Hải và Thích Chân Pháp Khâm dẫn một số sa-di và tập sự nam từ Huế vào để thiết lập sinh hoạt tăng chúng Làng Mai tại Bát Nhã, lấy tên là Xóm Rừng Phương Bối. Các sinh hoạt đều theo mô thức Làng Mai. Đây là lý do tại sao khi có cuộc đàn áp tại Bát Nhã xẩy ra sau này, số tăng chúng hiện diện tại đây đã đông tới 400 người.



Thượng Toạ Đức Nghi cũng luôn khẳng định là Tu viện Bát Nhã sẽ hoàn toàn tu học và sinh hoạt theo mô thức Làng Mai và sắp xếp cho các đệ tử không thích tu học theo pháp môn này cư trú ở nơi khác. Những vị còn lại đều tuân theo thanh quy của tu viện và ai không theo thanh quy của Tu viện sẽ bị mời đi, bất kể người đó là đệ tử của Thượng Toạ hay đệ tử của Sư Ông Làng Mai.

Việc xây dựng Tu viện Bát Nhã sau đó đã được thực hiện theo tuần tự dưới đây, tiền bạc do các Phật tử trong và ngoài nước đóng góp:

- Tháng 3 năm 2005, khởi công xây dựng cư xá Rừng Phương Bối để làm tăng xá cho các thầy và Sư chú.
- Tháng 4 năm 2005, tiếp tục xây dựng và hoàn thành cư xá xóm Bếp Lửa Hồng để làm ni xá cho các Sư cô.
- Tháng 5 năm 2005, xây dựng nhà bếp, nhà ăn và thiền đường Tâm Bất Động, xóm Bếp Lửa Hồng
- Tháng… năm 2006, khởi công xây dựng cư xá Phượng Vĩ để làm thêm ni xá cho các Sư cô.
- Tháng.. năm 2006 xây mới nhà bếp và trai đường xóm Rừng Phương Bối.
- Tháng 4 năm 2006 khởi công xây dựng thiền đường Cánh Đại Bàng, tháp nước, công trường Bông hồng cài áo , và hai nhà dãy nhà vệ sinh công cộng.
- Tháng 7 năm 2006, khởi công xây dựng ba dãy nhà tại khu đất của chúng cư sĩ dòng tu Tiếp Hiện (được gọi là cư xá Tiếp Hiện)
- Tháng 1 năm 2007, xây thêm phần sau cốc Lưng Đồi
- Tháng 10 năm 2007, xây lại hoàn toàn cư xá Tâm Ban Đầu
- Tháng 1 năm 2008, xây thêm phần phía sau của cốc Trà Thơm (gần đường xuống suối), xóm Bếp Lửa Hồng.
Chi phí mua đất và xây dựng từ 20-4-2005 đến 11-3-2008 là 14 tỉ, 162 triệu đồng, tiền VN.

b) Thiền Sư Về Nước năm 2007:

Trong chuyến đi này, Thiền Sư dự tính tổ chức 3 buổi Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan, tuy nhiên nhà cầm quyền Hà Nội phản đối tên gọi “giải oan” với lập luận rằng tuy sẵn sàng tha thứ cho những chiến sĩ trận vong của miền Nam, nhưng họ vẫn xem những người đó là những người phản bội dân tộc và trở thành tay sai của chính quyền mà họ gọi là “ngụy quyền” do chính phủ Mỹ khống chế. Vì có sự phản đối như thế, Tăng Đoàn Làng Mai đã đổi tên gọi Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan thành Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bình Đẳng.
- Đại Trai Đàn Chẩn Tế thứ nhất sẽ được cử hành tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM, theo nghi lễ cổ truyền miền Nam từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 3 năm 2007.

- Đại Trai Đàn Chẩn Tế thứ hai sẽ được cử hành tại quốc tự Diệu Đế, Huế, theo nghi lễ truyền thống Huế từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 4.

- Và Đại Trai Đàn Chẩn Tế thứ ba sẽ được tổ chức tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Sóc Sơn, Hà Nội, từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 4 năm 2007.

Đại Trai đàn Chẩn Tế tại Chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn:

Suốt hai ngày 16 và 17-3-2007, đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngang qua chùa Vĩnh Nghiêm kẹt xe dữ dội mặc cho lực lượng công an cảnh sát vất vả dàn hàng giữa tim đường ra sức điều phối. Lượng người đổ về chùa Vĩnh Nghiêm tham dự đại trai đàn chẩn tế rất đông.

Để tổ chức được buổi lễ này, về mặt chính quyền, thiền Sư Nhất Hạnh đã tranh thủ được sự chấp thuận của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Về mặt nội bộ giáo hội thầy cũng được sự hợp tác, ủng hộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo cùng đông đảo tăng ni Phật tử. Thiền Sư Nhất Hạnh ngoài việc tham gia hộ đàn, còn phụ trách pháp thoại ba ngày. Mỗi ngày một đề tài:
"- Người thương tôi mất, biết tìm đâu. - Chết sẽ đi về đâu. - Làm thế nào cho thân nhân đã mất được nhẹ nhàng, an lạc."


Tên gọi đầy đủ của trai đàn là Thủy lục giải oan bình đẳng cứu bạt trai đàn. Thủy lục nhằm chỉ phạm vi rộng lớn khắp trên biển (thủy) và mặt đất (lục). Mục đích lập trai đàn nhằm để cứu vớt, độ trì (cứu bạt), các oan hồn, không phân chia đối tượng (bình đẳng). Những thức cúng dường đều chay tịnh (trai đàn). Thời gian từ khi lập đàn tới khi kết thúc là ba ngày. Mỗi ngày đều có tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp.

Từ ngoài đường, bước vào khỏi tam quan chùa Vĩnh Nghiêm ba bước là gặp Hồ Tắm Vong thả đầy hoa sen hồng nối liền với chiếc cầu phủ vải trắng toát – nơi các oan hồn phải đi qua để được cứu độ siêu thoát. Dọc hai bên cầu cắm những cành phướn, treo vải trắng bay phất phới. Trên chót đầu cầu là tòa phương đình, trong có hình nhân lộng lẫy trang nghiêm cao to hơn người thực, đứng trong tư thế đường bệ. Phật tử dự lễ ngồi trong hai rạp dựng song song, xuôi theo đàn cầu siêu. Tất cả đều chắp tay niệm Phật.

Lễ Truyền Đăng tại Thiền Viện Bát Nhã Lâm Đồng:

Ngày 13/3/07, ngày cuối của chương trình sinh hoạt tại tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng có lễ Truyền Đăng do Thiền Sư Nhất Hạnh chủ trì với sự tham gia của tăng đoàn Làng Mai, tăng chúng thường trụ Bát Nhã, cùng Phật tử trong và ngoài nước tham dự. Tại đại điện, Thiền Sư khởi xướng niệm hương bằng nghi thức truyền thống, tiếp theo, tăng đoàn Mai thôn xướng lễ Tam Bảo bằng âm ngữ Pali, rồi xướng tụng ngợi ca chư Phật bằng Anh ngữ. Sau đó, Thiền Sư tuyên bố hôm nay là lễ Truyền Đăng.

Truyền Đăng là một nghi thức trong Phật Giáo, được tryền thừa qua nhiều đời, là một buổi lễ ấn chứng, xác quyết khả năng tu tập và năng lực nội tại của đệ tử, sau khi vị thầy thấy được tâm đắc của đệ tử trình bày qua thi, kệ. Người được truyền đăng được xem là vị Giáo thọ, không những trên mặt truyền bá giáo lý, mà thân giáo, khẩu giáo và hành giáo đều đáng là bậc trưởng tử Như Lai. Một ngọn đèn dầu đặt trước mặt thiền Sư, bên cạnh là quả chuông gia trì. Đăng tử trình giải kệ tâm khai; Sư ông tiếp nhận, đọc và giải nghĩa bằng Anh ngữ lẫn Việt ngữ. Sư ông tiếp nhận ngọn đèn, châm lửa từ ngọn lửa đèn lớn mồi qua chiếc đèn nhỏ của Đăng tử, tượng trưng cho sự truyền thừa. Đăng tử đứng lên với hai tay tiếp nhận ngọn đèn từ Thiền Sư. Rồi tất cả mọi người hiện diện đều nghiêm trang đứng lên chấp tay vái chào vị tân Giáo thọ vừa được ấn ký. Tưởng cũng nên biết, Thượng tọa Đức Nghi đã được Thiến Sư Nhất Hạnh “truyền Đăng” tại Mai Thôn vào năm 2006.

Những sinh hoạt khác trong chuyến đi:

- Chiều 5-5-2007, tại Phủ Chủ tịch ở Hànội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và đại diện thiền sinh, cư sĩ trong đoàn tăng thân Làng Mai (Pháp) tới chào xã giao, nhân dịp đoàn về thăm Việt Nam theo lời mời của Ban Phật giáo Quốc tế thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Ông Triết đánh giá chuyến về thăm Việt Nam của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và đoàn tăng thân Làng Mai là đã đóng góp tích cực vào hoạt động tôn giáo ở Việt Nam; ông cũng vui mừng trước tình cảm của Thiền Sư đối với quê hương, đồng bào Phật tử trong nước. Ông lại mong mỏi Thiền Sư và các thành viên trong đoàn tiếp tục có những chuyến về thăm Việt Nam cùng chia sẻ, đóng góp tiếng nói, hành động để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

- Dịp này, Thiền Sư Nhất Hạnh cũng cùng với Sư Cô Chân Không và một số tăng ni tới thăm tướng Võ Nguyên Giáp và trước đó, thiền Sư cũng đã tới Văn Phòng chính phủ thăm Thủ Tướng Phan Văn Khải. (Phan Văn Khải hay Nguyễn Tấn Dũng ???)

Rồi tới ngày 7-7-2007, Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã cho phép các tu sinh tu viện Bát Nhã được tu học theo pháp môn Làng Mai. Tại đây có 250 tăng ni và 100 tập sinh xuất gia tu học và sinh hoạt thường xuyên gồm có các lớp tu học hàng tháng, hàng năm.

c) Thiền Sư về nước năm 2008:

Theo tin của TTXVN thì Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và Đoàn tăng thân Phật giáo quốc tế Làng Mai về VN từ ngày 22-4-2008 đến 21-6-2008 để tham dự Đại lễ Phật đản LHQ 2008 theo lời mời của của Ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo VN (GHPGVN) và UB Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 (IOC).

Cũng trong dịp tham dự Đại lễ Phật đản lần này, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và Đoàn tăng thân Làng Mai sẽ đi tham quan và tổ chức các khóa tu trước và sau Đại lễ Phật Đản. Tăng thân Làng Mai, cùng IOC và GHPGVN sẽ tổ chức hai khoá tu cho các tăng ni, Phật tử Việt Nam; trong đó, có một khoá tu dài 6 ngày cho khoảng 500 người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Khóa tu đặc biệt này sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 5-5 đến 11-5-2008.

III.- VÌ ĐÂU NÊN NỖI ???

Ngày 18-6-2008, Thiền Sư lại lên tu viện Bát Nhã nói chuyện với các đệ tử với đề tài: “Thầy căn dặn”. Nhưng sau đó Thượng Tọa Đức Nghi đem cắt đầu, cắt đuôi bài nói chuyện này để chỉ còn lại trong 5 phút và cho là Thiền Sư đã coi thường nhà cầm quyền và giáo hội Phật Giáo địa phương, vi phạm quy chế Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.

Ngày 1 tháng 9 năm 2008, Thượng tọa Đức Nghi đã gửi Bản Kiến Nghị tới 3 nơi : Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật Giáo VN, Ban Trị sự Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Đồng và ban Đại diện Phật Giáo Thị xã Bào Lộc mà nội dung có những đoạn như sau :

“Cách đây trên 3 năm, con đã nhiệt tình bảo lãnh để Làng Mai tu tập tại Tu viện Bát Nhã. Được Giáo hội Trung ương cho phép, văn thư số 212 ngày 22-5-2006, Ban Tôn Giáo Chính phủ cho phép, văn thư số 525 ngày 7-7-2006.

Ban đầu con cứ tưởng Làng Mai tôn trọng Giáo Hội Phật Giáo VN và Nghị định 22 của Ban Tôn giáo Chính Phủ, cứ tưởng tôn trọng lời đề nghị của con tại Làng Mai 2006, lời đề nghị của con tại chùa Từ Hiếu năm 2007, lời đề nghị của con tại Tu viện Bát Nhã năm 2008.

Cả 3 lần trực tiếp gặp Sư Ông Làng Mai để nói lên thực trạng của Tu viện Bát Nhã. Giáo Hội Làng Mai chưa được phép sinh hoạt tại Việt Nam, con chỉ đứng đơn xin tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã. Nên mọi việc xẩy ra con chịu trách nhiệm trước Giáo Hội và Nhà Nước. Con muốn tương lai Tu viện Bát Nhã sẽ lên tới 1.000 tu sinh, nhưng những lời đề nghị của con lên Sư Ông và quý vị giáo thọ không ai lắng nghe cả. Đã 3 năm qua, con đã hơn 10 lần bị kiểm điểm vì vi phạm Hiến chương Giáo Hội và Nghị định 22 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ.

Kề từ hôm nay, ngày 01 tháng 09 năm 2009, con xin rút lại tất cả những văn thư xin phép cho Làng Mai tu tập. Con không bảo lãnh, không chịu trách nhiệm mọi việc sẽ xẩy ra của Làng Mai tại Tu viện bát Nhã trong thời gian tới.”
(ngưng trích)

Thế là công lao của Làng Mai trong ngần ấy năm bị đổ xuống sông xuống biển và đặt số tăng chúng Làng Mai đang cư ngụ tại tu viện Bát Nhã trước tình trạng cư trú bất hợp lệ !

Sau khi nhận được “Bản Kiến Nghị” với nội dung kể trên, ngày 9-9-2009 Thiền Sư Nhất Hạnh đã viết một thư tay cho Thượng tọa Đức Nghi, trong có những đoạn như sau :
“Tôi có đọc thư Thầy viết gởi đề ngày 1.9.08 (Kiến nghị), và thấy thương Thầy quá. Tội nghiệp cho thầy. Thầy đã bị áp lực của những thế lực bảo thủ và tham nhũng lâu ngày, và Thầy cũng đã nói với tôi như thế, và bây giờ Thầy muốn nửa đường bỏ cuộc. Trong Giáo Hội và trong Chính Quyền cũng có nhiều thành phần cương trực và trong sạch, các vị này cũng đã từng bị lao đao và khó khăn thế nhưng họ đã không bỏ cuộc. Tôi nghĩ Thầy nên đứng dậy và can đảm tiếp tục con đường đã đi.

Hiện giờ có khoảng 400 người tu trẻ tuổi đang tu học nghiêm chỉnh ở Bát Nhã, đó là một trong những chúng xuất gia thường trú có tầm vóc lớn ở quê hương. Tôi tin chắc là cả chính quyền và cả Giáo hội đều không muốn cho một chúng tu học như thế bị giải tán và tan rã. Phật tử trong nước và ngoài nước đã từng yểm trợ và nuôi cho tu viện lớn lên cũng sẽ không muốn cho một chúng tu học như thế bị giải tán và tan rã. Điều này chắc Thầy cũng đã thấy rõ, bởi vì nếu có sự giải tán và tan rã xảy ra thì sẽ có tai tiếng lớn cho đất nước và cho Phật giáo Việt Nam.”
(ngưng trích)

Thế rồi, ngày 29-10-2008, ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đã tố cáo: Ba lần về VN, tăng thân làng Mai từ Pháp đã tấn phong giáo phẩm mà không thông qua GHPGVN, đề cập sai lệch vấn đề chính trị trong nước, đưa lên mạng một số tin tức sai sự thật tại VN, vi phạm luật pháp VN.

Ngày 13-11-2008, công an Lâm Đồng cưỡng bách trục xuất 400 đệ tử xuất gia tu học theo môn pháp Làng Mai ra khỏi tu viện Bát Nhã bao gồm cả tu sĩ ngoại kiều và 40 ni cô tại Huế.

IV. CUỘC ĐÀN ÁP ĐÃ XẨY RA

Ngày 27, 28 và 29 tháng 6 năm 2009, độ 200 thanh niên thuộc xã hội đen kéo đến thiền viện Bát Nhã xã Dambri, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, lấy lý do các tu sĩ là người nước ngoài, nên đập phá nhà bếp và vất nồi, niêu, soong, chảo, gối ngồi thiền, mền chiếu, sách kinh ra bên ngoài. Điện, nước và điện thoại đều bị cúp.

Đến trưa ngày Thứ Hai, 29 tháng Sáu, thì tu viện Bát Nhã lâm vào cảnh không điện, không nước, không điện thoại, đặc biệt nước uống bắt đầu cạn dần trong khi các tiếp tế của Phật Tử địa phương thì bị ngăn cản. Họ lùa các Sư cô ở Mây Ðầu Núi đi về phía vườn rau, một số các Sư cô bị té ở bậc tam cấp, và bị họ lấy dù đập rất là dã man. Các thầy bị đánh rất nặng, và đã bị xúc lên xe. Một Sư cô cho biết, “Hiện có khoảng 50 thầy tì kheo và Sư chú đang chịu đói và lạnh ở ngoài đường trước cổng Mây Ðầu Núi. Một em tập sự xuất gia bị đánh chảy máu miệng. Một Sư chú bị bóp cổ quăng lên xe. Còn khoảng 30 thầy đang bị kẹt trong tu viện. Các thầy bị đẩy lên xe, và bị đánh quá chừng, và họ đã chở ra tới cổng ngoài của xóm Mây Ðầu Núi. Các thầy đang nằm ở ngoài đường nên họ chưa chở đi được.”

Mặc dù bị 200 côn đồ hành hung và xua đuổi, các tăng chúng vẫn cố thủ tại tu viện Bát Nhã không chịu rời đi.

Qua ngày 27 Tháng 9-2009, lực lượng cán bộ, công an CSVN đông hàng trăm người đã đến tu viện Bát Nhã quăng ném quần áo, đồ đạc của gần 400 tăng sinh ra đường dù trời mưa. Nhiều người đã bị đánh đập để cưỡng bách trục xuất họ ra khỏi nơi tu tập.

Trước sự tàn bạo của công an và côn đồ địa phương, các tăng chúng phải rút về Chùa Phước Huệ cách Tu viện Bát Nhã 17 km và cho đến nay, họ vẫn tá túc tại đây,

Im lặng Sấm Sét !

Trong thời gian Tu viện Bát Nhã bị đàn áp dã man thì Thiền Sư Nhất Hạnh đang ở Làng Mai bên Pháp. Thiền Sư đã an ủi đệ tử của mình bằng lá thư viết ngày 20-7-2009, có vài đoạn đáng chú ý như sau:

Thân gửi các con của thầy ở Bát Nhã, Từ Hiếu, và khắp nơi,

Thầy đang ngồi ở thất Ngồi Yên, xóm Thượng, Làng Mai, viết cho các con. …

…Cái ngày mà thầy nghe tin họ xông vào cư xá Rừng Phương Bối, quăng liệng đồ đạc và xô ngã những người họ gặp và đi lên lầu ba nơi các con đang ngồi thiền và trì niệm danh hiệu Quan Thế Âm trong tư thế bất động, không hề tìm cách chống trả và phản ứng, là thầy biết các con đã làm được như thầy trông đợi, và không có lý do gì nữa để cho thầy phải lo lắng cho các con.


Thầy biết các con của thầy không lo lắng, và các con biết là thầy cũng không lo lắng. Các con chỉ cần ngồi thật yên bên đó, cũng như thầy và các anh chị em chỉ cần ngồi thật yên bên này, thì thế nào sấm cũng lặng, mây cũng tan. Năng lượng im lặng của chúng ta là năng lượng của hiểu và thương, đây là thứ im lặng hùng tráng, đây cũng là thứ im lặng sấm sét.


Nhất Hạnh

Rồi qua ngày 30-9, Thiền Sư lại cũng đã lên tiếng trong hai lá thư liên tiếp, một gửi cho Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết và một gửi cho nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước. Điều đáng chú ý và không hiểu nguyên do hay dụng ý gì của người viết mà cả hai lá thư đều không ký tên Thiền Sư Nhất Hạnh nhưng lại dùng tên Nguyễn Lang là bút hiệu của Thiền Sư khi viết cuốn “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận,” xuất bản trong nước hồi đầu thập niên 60s, trước khi ông ra đi, sống lưu vong tại nước ngoài.

Trong bức thư từ New York đề ngày 30 Tháng Chín, gởi ông Nguyễn Minh Triết, tác giả Nguyễn Lang, tức Thiền Sư Nhất Hạnh, viết rằng:

“...Cửa Phật là cửa rộng, những lúc hiểm nguy ai cũng có quyền tới nương nhờ. Ngày xưa trong cách mạng chống Pháp, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã từng tới ẩn náu tại chùa và các thầy các Sư cô luôn luôn tìm mọi cách để đùm bọc và che chở. Bây giờ đây cảnh sát và công an của chủ tịch đã đánh bật 400 thầy và Sư cô ra khỏi chùa (tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc) và các vị ấy đã tìm tới tỵ nạn nơi một chùa khác (chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc). Hiện thời cảnh sát và công an của chủ tịch lại đang vây quanh chùa Phước Huệ buộc các vị xuất gia ấy phải ra khỏi chùa trong đêm nay. Các vị cảnh sát và công an này chắc hẳn không phải là con cháu của cách mạng. Tôi xin chủ tịch kịp thời ngăn chận hành động trái luân thường đạo lý này.”

Trong bức thư gửi nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước có đoạn, “Qua 14 tháng thử thách trước bạo động và đe dọa, họ đã can trường đứng vững, không nản chí, không sợ hãi, không oán thù, không bạo động, và vẫn giữ được niềm tin nơi con đường họ đi và vào những giá trị tinh thần của đất nước. Nhìn vào những người như họ, chúng ta thấy vững lên niềm tin của chúng ta nơi các thế hệ tương lai của đất nước.”

Và, vì những lẽ ấy, “Lên tiếng bảo vệ cho họ không phải là quý liệt vị yểm trợ cho một tôn giáo là Phật Giáo mà quý vị che chở cho những mầm non xanh tốt của tương lai không để bị giẫm nát bởi bạo hành.”

***

Tuy chẳng tin rằng “Các vị cảnh sát và công an này chắc hẳn không phải là con cháu của cách mạng” như Thiền Sư đã viết cho ông Nguyễn Minh Triết, nhưng để kết thúc cho bài tổng kết này, người viết chỉ cầu mong cho “thế lực bạo quyền nào đó” ở trong nước sớm chấm dứt cảnh đàn áp những Phật Tử chỉ lo việc tu hành, và nhất là sự im lặng là sấm sét của Thiền Sư Nhất Hạnh sớm đem lại hiệu quả sấm sét.
HOÀNG ANH VŨ
(Tổng hợp)


*********************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét