Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009



6- GÓP Ý VỚI GIÁM MỤC GP. MỸ THO, ĐC. BÙI VĂN ĐỌC, về 2 điều qua bài: “Lạy Chúa, chúng con không biết ăn nói” (!?)
Thứ Bảy, ngày 9 tháng 10 năm 2009

Nguyễn An Tôn
Từ sau ngày 30/4/1975 đến nay, bản thân chúng tôi, một giáo dân thuộc hạng nghèo mà lại “thất thế”, đã thấy có hai trường hợp, văn bản quan trọng của Kitô giáo bị cắt xén.
Trường hợp thứ nhất : Tháng 2-1971, tờ báo CHỌN số 6, (do Lm. Trương Bá Cần ( + ) chủ biên) đã dịch và đăng bức Thư của 17 Giám Mục gửi Thế giới thứ ba, trong đó câu số 3 viết : “Thuyết vô thần và chủ trương tập sản hóa mà nhiều phong trào xã hội căn cứ theo đều là những nguy hiểm lớn cho nhân loại.” Sau ngày 30/4/1975, tờ Công giáo và Dân tộc số 27-1976,đã cho đăng lại bản dịch đã in trên tờ CHỌN số 6 trên đây, nhưng đã xóa bỏ câu trên, vì sợ mất lòng “ông Chủ” đầy quyền uy, mà những người khai sinh ra nó, nghe như tận mãi bên trời Tây, tôn kính “ông Chủ” vô thần với những thời kỳ Cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ, tập sản hóa nông nghiệp, tập thể hóa tổ tiên của các dòng họ trong làng, rồi tập thể hóa cả các vị thần của các làng vào một xã. (x.Người Đàn Bà Quỳ, tuyển tập Truyện và Ký của nhiều tác giả, do báo Văn Nghệ, báo Nông Nghiệp Việt Nam và nxb Nông Nghiệp ấn hành năm 1988, Trong đó có bài Ký của Võ Văn Trực: “Tiếng kêu cứu của một làng văn hóa”, từ tr. 115-128.)
Trường hợp thứ hai : Nay, sau hơn 30 năm, Giám mục Gp. Mỹ Tho, Đc Bùi Văn Đọc còn cả gan hơn nhóm linh mục chủ trương tờ Công giáo và Dân tộc. Không biết ngài có một thế lực nào đứng ở sau lưng, mà ngày 23-6-2009, trong thánh lễ đồng tế ở Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành Rôma, với sự tham dự đông đảo của Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân Việt Nam đang làm việc hay học tập tại Rôma, Đc Bùi Văn Đọc đã giảng một bài mà sau đó nổi lên sự phản kháng ngài dữ dội.Cho đến nay, chỉ có một Linh mục ở Việt Nam viết bài bênh vực Đức cha, tải đăng trên trang mạng VietCatholic mới đây, đó là Lm Nguyễn Hồng Giáo, Dòng Anh Em Hèn Mọn (op). Nhưng ngay sau đó, Lm Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm, đã viết một bài phân tích về thái độ không nghiêm túc khi trích dẫn Kinh thánh của Giám mục Mỹ Tho, Đc Bùi Văn Đọc, qua bài : “Cứ phải nói dù không biết nói”, tải đăng trên VietCatholic ngày Thứ Bảy 03/10/2009.
Với Lm. Nguyễn Hồng Giáo, chúng tôi chỉ xin nhắc với ngài : Cái cách ngài dấn thân vào môi trường xã hội này từ những năm qua, được biện minh như “tình yêu Đức Kitô thôi thúc”. Hoặc giả, thực thi tinh thần của Công đồng Vatican II, mở ra một cánh cửa, để tiếp nhận làn gió mát. Nhưng, với CSVN, đó chỉ là những làn gió độc. Có lẽ ngài và Giám mục Bùi Văn Đọc và những ai khác nữa cùng một dạng, một thể phách như ngài, không bén mùi trần tục với những làn khí độc mà tầng lớp giáo dân đã và còn phải chịu một cách nghiệt ngã.
Các ngài có biết “làn khí độc” của CSVN đã và đang gieo xuống đất nước này, Giáo hội này là gì không ? Các ngài có đọc những “lời cuối đời” của những cán bộ gộc của CSVN, 50, 60 tuổi đảng? Nào là Trương Như Tảng, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Hộ; Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải v.v…
Các ngài có biết, vì suốt đời theo Cộng sản, họ mất cái gì không ?
Xin thưa :

Người Tự Đánh Mất Mình
Hắn có đôi mắt riêng
nhưng lại trông nhìn bằng mắt người khác
Hắn có cái mũi riêng
nhưng lại thở bằng mũi người khác
Hắn có cái mồm riêng
nhưng chỉ biết nói theo người khác.
Hắn là người cha mẹ sinh ra
đường hoàng một đơn vị sống
không đoạn đầu đài nào gọi tên
nhưng hắn đã đánh mất đầu
và triển vọng dưới ánh mặt trời
hắn mất luôn bóng hắn.
May sao
Chúng ta không phải là một thứ kim loại
để hắn đem đổ khuôn bất cứ mẫu hình nào.
Trinh Đường (1986)
(Báo Tuổi Trẻ Chủ nhật ngày 12-4-1987)
Và dưới đây là bài thứ 2 :
Tìm Lại Chính Mình
Có một thời ta tự đánh mất mình
Trên trang giấy ta thành kẻ khác
Có một thời ta tự đánh mất mình
Nên trang giấy hóa thành tẻ nhạt
Ta lên gân tập nói giọng khác mình
Ghép câu chữ thành hình nhân tính cách
Ngòi bút hóa chú chồn nhút nhát
Sự thật pha đèn vội lủi trốn nhanh.
Mắt giả mờ cho được yên thân
Bút chẳng viết mà thường hay lách
Cuộc đời ư ? Ta rũ hết nợ nần
Để trái tim mặc tình hóa thạch
Ta tụng kinh những giáo điều cứng ngắc
Triệt tiêu bao xung đột kinh đời
Số phận ư ? Có, không, cũng mặc
Ta quay lưng với nỗi khổ con người
Ta chối bỏ làm nhà tư tưởng
Yên lòng làm những chú lính ngoan
Lâu ngày lưỡi lột mềm như cưỡng
Chỉ quen câu ca ngợi thánh thần.
Diệp Minh Tuyền
(Báo Tuổi Trẻ Chủ nhật ngày 9-8-1987)

Mới đây là nhạc sĩ Tô Hải với quyển “Hồi ký của một thằng hèn” Ông tự nhận mình là một thằng hèn, sau 50, 60 năm theo đảng.
Có lẽ Đức cha Bùi Văn Đọc và Linh mục Nguyễn Hồng Giáo không cần chúng tôi nhắc lại ở đây những tội ác mà CSVN đã gây ra cho dân tộc VN, ngay từ khi còn lén lút trong bí mật, gồm đủ mọi thành phần, mọi tầng lớp, thành thị cũng như nông thôn, trí thức cũng như thợ thuyền và nông dân, đặc biệt là với Giáo hội Công giáo Việt Nam, các thành phần giáo dân hoạt động tích cực, nhất là thành phần linh mục chống đối. Các ngài có thể quên và “người khác” giúp cho các ngài quên. Nhưng chắc chắn, những sự việc mới xảy ra cho Giáo hội, ở Tòa Khâm sứ (cũ) Hà Nội, ở Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, ở Tam Tòa, (Gp. Vinh) Loan Lý (Gp. Huế), ở Vĩnh Long, ở Nha Trang v.v…Tại những nơi này, bao nhiêu là hình ảnh, bao nhiêu là giáo dân đã bị công an, côn đồ hành hung, đánh đập như trong một xã hội không luật pháp. Vậy mà, con mắt, cái mồm, cái tai, cái đầu (thơ Trinh Đường) của các ngài để ở đâu, để “quay lưng với nỗi khổ con người” (thơ Diệp Minh Tuyền) ?
Đó có phải là dung mạo đích thực của một người được “sai đi”? Mới năm ngoái, 2008, năm thánh Phao-lô, vị tông đồ dân ngoại, và năm nay, 2009, năm thánh Linh mục, gương mẫu của Giáo sĩ là Cha sở họ Ars, Gioan Maria Vianney, các ngài không cần học tập nhân đức, bác ái, thánh thiện v.v…của Tông đồ Phao-lô và Gioan Maria Vianney sao ?! Các ngài lấy quyền “giáo huấn” mà “phán” những điều nghịch nhĩ như vậy sao. Đó là cách chống lại đa số dân nghèo Việt Nam, các cộng đồng dân tộc Việt Nam, giáo hữu Công giáo, Phật giáo, Hòa Hảo, Tin lành, Cao Đài, các tổ chức chính trị chân chính và yêu nước. Họ, tất cả đều là nạn nhân của Cộng sản, đồng thời họ cũng đã từng đóng góp xương máu của các chiến sĩ trong tổ chức của họ, qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Nhật và Việt Minh CS.
Vì vậy, chúng tôi thấy rất khó hiểu về thái độ “không biết nói” của các ngài, mà khi nói thì lại nói những điều chói tai, mặc nhiên đứng về phía kẻ thù số một của dân tộc, những kẻ đào mồ đào mả ông cha, tổ tiên, những kẻ hủy diệt văn hóa dân tộc.
Thỏa hiệp với Cộng sản là chống lại những thành phần ưu tú của giống nòi Bách Việt.Vấn nạn thứ hai của chúng tôi là, Đảng CSVN lúc này đang là thời kỳ rã gánh, những ngày cuối cùng của nó. Vậy mà sao các ngài lại ra sức, gồng mình , phơi bày ra cái ý đồ chính trị theo thói đời, nhẩy vào dòng sông đang cuồn cuộn những rác rưởi tanh hôi và xác chết của người, của thú để bơi ngược dòng ? Làm sao lại tự mình làm khổ mình, đầy đọa mình cách nhục nhã đến lợm giọng !
Với Đức cha Bùi Văn Đọc,chúng tôi xin góp ý với ngài hai điều qua bài giảng lễ hôm 23-6-2009 tại Vương cung thánh đường thánh Phao-lô ở ngoại thành Rôma, với nội dung : Lạy Chúa, chúng con không biết ăn nói.
Điều 1 : “Trước sự phức tạp của tình hình thế giới, trước những thế lực giằng co chống đối nhau luôn muốn lôi kéo chúng tôi về phía họ… Để không làm công cụ cho một thế lực chính trị nào, chúng tôi phải giữ gìn lời ăn tiếng nói…”
Người ta tưởng Đức cha Bùi Văn Đọc “không biết ăn nói”, ai ngờ câu trên đây tuyệt lắm, nó na ná như lời của một chính ủy nào đó lên lớp cho môn sinh. Hóa cho nên, tất cả vốn liếng về thần học, triết học, tín lý, luận lý, kinh thánh v.v…không giúp gì cho ngài trong vai trò “ngôn sứ”, chứng nhân của Thầy Giêsu ở giữa bầy “sói”!
Chúng tôi đột nhiên lại nhớ đến chuyện “cờ đỏ” hay “cờ vàng” của “chủ chăn” giáo phận trước đây. Ngài cũng quá “vụng về”, nên “không biết ăn nói” với những cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như ở trong nước. Cho nên người ta bảo ngài nói theo chính ủy Việt Cộng, nhằm gây chia rẽ giữa những thành phần người Việt ngoài Công giáo với người Công giáo. Điều này chỉ có lợi cho Cộng sản VN nhưng nó cũng mãi mãi là một đòn giáng xuống Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đối với những phe sẵn có thành kiến với Việt Nam Công Giáo bắt nguồn từ thời cấm đạo.
Bây giờ, Đức cha Đọc lại trêu tức người ta nữa, qua câu nói trên. Xin ngài chỉ ra, những thế lực nào muốn lôi kéo “chúng tôi” (phải chăng là tất cả Giám mục Việt Nam ?) về phía họ ? Ngài “không làm công cụ cho một thế lực chính trị nào” (ám chỉ các phe chống đối Đảng CSVN), nhưng như thế là ngài đã mặc nhiên đứng về phe CSVN rồi đấy. Với CSVN thì ngài bảo “không biết nói”, còn với các phe “nghịch với CSVN” thì ngài nói như thể chính ngài là một “giáo chủ” hay ít ra là một “dự phóng” như vậy, để “người ta” tìm đến cậy nhờ. Như vậy, với Đức cha Đọc, những người vốn mang thành kiến không ưa Công giáo, lại có thêm một sự việc nữa, đẩy họ xa giáo hội thêm !
Điều 2. “Nếu có ai không thích Cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ.”
Thưa Đức cha, chỗ này ngài lại sai nữa rồi, vì giữa chỗ “khích bác” và phê phán nghiêm túc, hoàn toàn khác nhau. “Khích bác” là một trò của tiểu nhân, vì ghen ghét, vì đố kị, vì oán hận mà người ta khích bác nhau, nói xấu nhau. Còn phê phán là một việc của trí tuệ, sử dụng đúng cách, nó là một việc bác ái, là nhân bản, đó là hành vi của chính nhân, của quân tử. Giáo hội Công giáo chẳng phải là vẫn có những phê phán ngay trong lòng Giáo hội đấy sao, có người nói đó là tình trạng phản chứng.
Lâu nay, giáo dân chúng tôi, trong cũng như ngoài nước, thấy quá bất mãn vì sự “im tiếng” của các vị Giám mục nói chung, trước những vấn đề “nóng” của dân tộc và đất nước Việt Nam, không riêng cho Giáo hội. mà những vấn đề về quyền sống, nhân phẩm như buôn bán phụ nữ, qua hôn nhân với người nước ngoài, lợi ích của người lao động trong các xí nghiệp, nhà máy, các khu chế xuất của người nước ngoài , các hiện tượng rất xấu của xã hội đối với mọi tầng lớp dân chúng, đặc biệt với thanh thiếu niên nam nữ và tuổi đang lớn lên. Con người Việt Nam đang phải hít thở những luồng gió độc từ khắp thế giới thổi vào.
Trong khi, nhìn vào tầng lớp lãnh đạo tinh thần trong Giáo hội, một hình ảnh trái ngược với những mảnh đời dưới đáy xã hội, sống bên lề đường, dưới các hầm cầu, trong xó chợ và trên các khu rác tanh hôi ở ngoại thành hay với những người gọi là “dân oan” từ mọi nơi trong nước, họ bị cướp mất nguồn sống, bị ngược đãi, bị trói tay chân như con heo, bất kể tuổi tác, rồi liệng lên xe bít bùng mang về địa phương ! Họ thật cô đơn, không một người “Samaria nhân hậu” nào đến yên ủi họ !
Xin các vị hãy can đảm nhìn thẳng vào các sự việc xảy ra tại Tòa khâm sứ, giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, giáo xứ Tam Tòa, Loan Lý v.v…Các vị thấy gì nơi giáo dân ở những nơi này ? Đặc biệt, qua hai sự việc. Một là trong lễ nhậm chức Giám mục của Cha Nguyễn Văn Khảm tại ĐCV Sài-Gòn (năm 2008) và hai là trong lễ nhậm chức Giám mục Giáo phận Phát Diệm của Cha Nguyễn Năng (8-9-2009). Hai dịp này, hình ảnh một Tổng giám mục đấu tranh vì công lý và sự thật, sát cánh với giáo dân, thở cái nhịp thở của giáo dân, đã cho thấy nỗi lòng của giáo dân Việt Nam hôm nay. Họ yêu mến vị Mục tử của mình như thế nào, mặc dù họ không nói gì được vì tiếng nói của họ chẳng có ai nghe, nên họ khao khát chờ mong tiếng nói của các Mục tử. Thế nhưng, họ đã không được nghe mà trái lại còn bị đẩy vào cái thế phải phẫn nộ, nén chặt và sâu trong lòng, để rồi biết đâu một ngày nào đó, một căn bệnh ung thư phát ra. Đó là hậu quả của trầm cảm. Bi thảm thay !

Nguyễn An Tôn
(6-10-2009)


*******************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét