Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009



12- Ðồ cứu trợ nạn nhân bão số 9 gồm dép dứt quai, quần áo rách...

NGƯỜI VIỆT

Hình bên: Dân làng di chuyển bằng xuồng băng ngang một cánh đồng lúa bị ngập nước ở huyện Ðiện Bàn tình Quảng Nam. Tỉnh này là một trong hai tỉnh bị thiệt hại nặng nhất gây ra bởi trận bão số 9 hồi đầu Tháng Mười. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)


QUẢNG NAM 17-10 (TH) - “Quần áo quá cũ rách; giày dép đứt quai không thể sử dụng; các tạp chí chuyên ngành thời trang, chứng khoáng... trong một số thùng quà cứu trợ bà con vùng bão lũ khiến Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Quảng Nam chua xót không biết xử lý ra sao.” Báo điện tử VNExpress ngày 17 Tháng Mười 2009 cho hay như vậy về tình hình cứu trợ nạn nhân bão số 9 (tên quốc tế Ketsana) thổi vào một số tỉnh miền Trung Việt Nam.

Bão số 9 đánh vào các tỉnh miền Trung Việt Nam, bị nặng nhất là hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tổng kết thiệt hại sau bảo cho thấy, ít nhất, có 163 người chết và 11 người mất tích. Thiệt hại nhà cửa và tài sản gồm 21,613 nhà bị sập, hay bị lũ cuốn trôi; 258,415 nhà hư hại và 294,711 nhà bị ngập. Bên cạnh đó có hơn 18,000 trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã, các công trình công cộng bị hư hỏng và ngập nước. Ðồng thời, bão lũ còn gây rất nhiều thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản, giao thông, điện, thủy lợi... với tổng thiệt hại ước tính $785 triệu USD.

Nguồn tin VNExpress thuật lời ông Vũ Khắc Trọng, viên chức UBMTTQ (cơ quan ngoại vi của đảng CSVN) tỉnh Quảng Nam nói rằng: “Kiểm tra hàng cứu trợ trước khi phát cho người dân, chúng tôi lặng người khi phát hiện một số thùng quà chứa quần áo quá cũ rách không thể sử dụng; giày dép đứt quai; sách, báo thì lem luốc, phần nhiều là tạp chí chuyên ngành...”

Tờ báo này viết “Những thùng quà này do các ‘mạnh thường quân’ gửi đến cứu trợ người dân chịu thiệt hại sau bão lũ số 9. UBND xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam, cũng vừa nhận được 100 suất quà từ hai người phụ nữ xưng là đại diện của hai tổ chức từ thiện, đến phát quà cứu trợ. Song, ‘khi kiểm tra thì mỗi suất chỉ có hai lon gạo, vài ba gói mì và một bộ quần áo cũ nát không thể sử dụng được’, ông Hồ Thanh Khoa, phó chủ tịch UBND xã chia sẻ.”

Có rất nhiều nghi vấn về các thùng hàng cứu trợ đã bị đánh tráo khi chuyền qua tay các cơ quan ngoại vi của đảng hay nhà cầm quyền địa phương. Tiền cứu trợ cũng đều bị các viên chức có trách nhiệm phân phát xà xẻo chứ không còn nguyên vẹn.

Nhà cầm quyền Hà Nội từng có chỉ thị phải tập trung mọi thứ phẩm vật cứu trợ vào một đầu mối của nhà nước, không cho phép tư nhân tới phân phối thẳng cho nạn nhân.

Vụ phát tiền cho dân ăn Tết Nguyên Ðán hồi năm ngoái là một thí dụ điển hình. Các quan xã đã cấu tiền của dân dưới đủ mọi hình thức.

VietNamNet hồi Tháng Sáu năm ngoái cho hay 14 tấn gạo cứu đói cho dân xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh đã bị ông chủ tịch xã “đã tự ý chỉ đạo cho hai nhân viên cấp dưới bán đi 1.5 tấn để lấy tiền trả nợ”.

Hiện nay, các nhà thờ Công Giáo ở Hoa Kỳ, các chùa Phật Giáo đều có quyên góp tiền bạc để gửi về Việt Nam cứu trợ nạn nhân bão số 9. Tuy nhiên, các số tiền này nhiều phần sẽ không nhờ tay nhà nước phân phát vì sợ thất thoát.


****************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét