Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009



13- Bão số 9 giúp làm lộ ra nhiều gian dối

Phan Như Thị/Người Việt

Bão Số 9 đánh vào miền Trung Việt Nam hôm 29 Tháng Chín làm 163 người chết và cũng nhờ trận bão này mà những việc gian dối của các giới chức tại Việt Nam bị lộ mặt.
(Hình: HoangDinhNam/Getty Images)

Các đoạn bờ kè bị sạt lở trên đường Nguyễn Tất Thành cho thấy hoàn toàn không có lõi sắt bên trong. (Hình: VNN)

Trụ điện được chôn mà không hề có móng! (Hình: VNN)

Các bản tin dự báo thời tiết ở Việt Nam cho biết bão Số 10 (tên quốc tế Parma), sau hai lần tàn phá đảo Luzong, Philipines đã đứng lại ngoài khơi Thái Bình Dương và ít có khả năng đi về phía biển Ðông, đánh vào Việt Nam.

Từ bản tin báo bão này, người Việt Nam nhất là cư dân vùng biển, đã phần nào bớt hoảng hốt. Sự tàn phá ghê gớm của cơn bão Số 9 (Ketsana) vẫn còn ngổn ngang và tang thương. Nếu những ngày tới dân nghèo phải gánh thêm bão Số 10 nữa thì có lẽ sức chịu đựng của lương dân sẽ gãy.

Nhưng nhìn lại diễn biến tác hại của cơn bão Số 9 đánh vào các tỉnh Bắc Trung Phần Việt Nam, dư luận trong cả nước phát hiện ra nhiều điều quái đản lẫn điều kỳ diệu. Chuyện quái đản của kẻ bất nhân nhờ bão tố mà được phơi ra để công chúng thấy hết cái xấu xa, và cũng nhờ bão tố mà người ta được nhìn thấy trời đất đã nghe thấu, nhìn thấu tiếng kêu than của lương dân như thế nào.

* Bờ kè không có cốt thép

Ngày 7 Tháng Mười, báo chí trong nước ghi nhận tại hiện trường sau bão Số 9 ở Ðà Nẵng như sau: “Trên con đường Nguyễn Tất Thành, một con đường thuộc loại phô trương thành tựu phát triển của thành phố. Bờ kè dọc đường này trị giá hàng chục tỉ đồng bị sóng và gió bão đánh tơi tả, nát vụn. Với những khối bê-tông ngả nghiêng đổ gãy, mọi người đều có thể dùng bàn tay của mình bóp nát vụn dễ dàng, bởi trong đó toàn là cát và xi-măng kém chất lượng. Nhưng điều quái đản là không tìm thấy trong các khối bê-tông xây bờ kè chống sóng biển, gió bão này một cốt thép nào, có chăng thỉnh thoảng, mấy người đi lượm ve chai moi ra được vài cọng sắt nhỏ, kích cỡ không lớn hơn que căm xe đạp.”

Và đây, người ta được nghe ông phó chủ tịch Ðà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến chai mặt chạy tội bằng một bài “hát” thuộc lòng như sau: “Sóng biển trong cơn bão mạnh, phá hỏng nhiều đoạn bờ kè và phần lớn vỉa hè lún sụt, hư hỏng. Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố đã chỉ đạo Sở Giao Thông Vận Tải kiểm tra, báo cáo và thiết kế xây dựng lại như thế nào để công trình mang tính vĩnh cửu. Chứ đến mỗi mùa mưa bão là bị hư hỏng, phải sửa chữa vừa tốn kém vừa mất thời gian.”

Tất nhiên ông cán bộ “bự” này đã nói đúng nhưng chưa hết ý, vì ai cũng biết ở Việt Nam loại công trình có giá trị vĩnh cửu không phải sửa chữa, không phải mất thời gian, công trình đó chính là loại công trình bị tham nhũng rút ruột.

* Lũ lụt lòi ra “gỗ lậu”

Một chuyện tréo ngoe sau bão Số 9 được dư luận trong nước biết tới là chuyện hàng ngàn người dân ven sông Vu Gia thuộc huyện Ðại Lộc, tỉnh Quảng Nam, đã đổ xô đi trục vớt gỗ rừng khai thác lậu. Báo chí trong nước gọi đây là hiện tượng hiếm thấy và hiện tượng này không chỉ có ở Quảng Nam mà còn ở Kontum. Theo nhiều người chứng kiến thì những lượng cây rừng khổng lồ trên có đường kính ba bốn người ôm, có cây là gỗ quí hiếm, có cây đã được cưa xẻ thành khối, tất cả đều từ vùng thượng nguồn của rừng cấm của quốc gia trôi về.

Trả lời về việc này, ông Hà Công Huấn, cục trưởng Cục Kiểm Lâm, sau khi nói vòng vèo một lúc cuối cùng cũng xác định: “Ðây là số gỗ khai thác bất hợp pháp và qua đợt này, cục sẽ chỉ đạo cho kiểm kê lại mức độ.”

Một lần nữa dư luận lại nhìn thấu thế nào là “chỉ đạo kiểm kê lại mức độ.” Chắc chắn lại cũng chỉ biết đến khi những khu rừng nguyên sinh, rừng bảo vệ đầu nguồn của quốc gia bị lâm tặc và cán bộ tham nhũng đốn hết sạch thì việc kiểm kê rừng đương nhiên sẽ hoàn tất.

Một bác chạy xe ôm, có tính thương người khi đọc báo biết việc dân nghèo đổ xô đi vớt gỗ lậu, ông vui hớn hở ra mặt nói. “Ðúng là ông Trời có mắt, lấy của quân bất lương chia lại cho người nghèo kiếm chút cháo.”

* Và chuyện “diệu kỳ”

Ngày 8 Tháng Mười, dư luận trong nước lại biết thêm một chuyện khác. Ở tỉnh Quảng Nam, một tỉnh nghèo bị cơn bão Số 9 tàn phá nặng nề nhất lại xảy ra một chuyện có thể tạm gọi là diệu kỳ. Tại các xã vùng núi cao nghèo xơ xác của tỉnh, hàng trăm người, đa phần là bà con người dân tộc thiểu số đổ xô về vùng thượng nguồn sông A Vương, chân núi Ta Lê huyện Tây Giang để đãi vàng sa khoáng.

Cái nguồn vàng sa khoáng này theo người am hiểu là nhờ sức mạnh của cơn bão Số 9 mà lộ ra, rồi theo lũ mà tràn xuống lòng sông. Với những dụng cụ thô sơ nhất, một đứa trẻ đi đãi vàng sa khoáng một ngày cũng kiếm được cả triệu đồng. Một người địa phương trả lời qua điện thoại cho biết. “Thay vì chờ nhà nước phát mì gói cứu đói nhỏ giọt, thì nhiều người cùng rủ nhau đi lên núi nhận vàng cứu trợ của ông Trời.”

Ở một chừng mực nào đó những câu chuyện của lương dân, những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão Số 9 vừa qua đã cho thấy: Ở một quốc gia được xếp là 1 trong 10 quốc gia bị thiên tai nhiều nhất thế giới, việc mỗi phải tự lo cứu mình, cũng như trông chờ ơn Trời và những người thiện tâm để mong khỏi kiếp nạn luôn là nguồn hy vọng duy nhất.

Và ai cũng biết thiên tai, dịch bệnh rồi cũng qua, nhưng có một thứ tai họa trầm kha không bao giờ có thể qua được đó là thảm trạng tài nguyên thiên nhiên và công quỹ quốc gia bị kẻ tham nhũng, bọn tội phạm kinh tế đang hùa nhau vơ vét.


****************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét